Bài viết mới nhất
Các công việc Thừa phát lại được làm
Theo quy định pháp luật, các công việc Thừa phát lại được làm bao gồm:
1. Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc cơ quan Thi hành án dân sự.
2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
Giá trị pháp lý của vi bằng do Thừa phát lại lập:
- Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án.
- Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự. Cụ thể, Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của Cục Thi hành án dân sự và 24 Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Trực tiếp tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định của Tòa án như sau:
a) Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án quận nơi Thừa phát lại đặt văn phòng (Bao gồm Quận 1, 5, 8, 10, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân và Tân Bình);
b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án quận nơi Thừa phát lại đặt văn phòng;
c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quận nơi Thừa phát lại đặt văn phòng.
Khi thực hiện công việc về thi hành án dân sự, Thừa phát lại có quyền như Chấp hành viên quy định tại Điều 20 của Luật Thi hành án dân sự (Trong đó có quyền: xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án; áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án), trừ Khoản 9, Khoản 10 và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Với các công việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự, Thừa phát lại là trợ thủ pháp lý đắc lực cho các đương sự, đặc biệt là người được thi hành án. (Theo pháp luật về thi hành án dân sự thì trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, người được thi hành án phải tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án. Chỉ có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh).
Tính từ ngày 21/5/2010 đến ngày 30/11/2012, các Thừa phát lại đã thực hiện:
- Tống đạt 120.462 văn bản của Tòa án nhân dân Thành phố, 24 Tòa án nhân dân quận – huyện, Cục Thi hành án dân sự Thành phố và 24 Chi cục Thi hành án dân sự quận – huyện, đã góp phần giảm tải cho các cơ quan này, đồng thời giúp cho Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự có điều kiện tập trung vào việc thực hiện một cách có hiệu quả chức năng chính của mình.
- Lập 6.423 vi bằng. Có thể nói, với việc lập vi bằng, Thừa phát lại đã góp phần hỗ trợ tích cực cho cá nhân, tổ chức xác lập chứng cứ, hạn chế tranh chấp, rủi ro về pháp lý trong các giao dịch dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân.
- Xác minh điều kiện thi hành án 186 vụ việc.
- Trực tiếp tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự: đã chấm dứt thi hành án 35 vụ việc và đang giải quyết 12 vụ việc.
Theo (Phòng Bổ trợ tư pháp)
- 3734 reads
Tin liên quan
Văn phòng Thừa phát lại hà nội
Điện thoại: 0243 262 66 88
Hotline: 0912 969 969
Giám đốc Điều hành: 0908 99 88 99
Email: tuvan@thuaphatlaihanoi.com
- 12 reads
- 2 reads
Viết bình luận