Bài viết mới nhất
Thừa phát lại sẽ mở rộng các tỉnh thành
“Sau gần 60 năm vắng bóng trong nền tư pháp dân chủ nhân dân, chế định thừa phát lại (TPL) mới được nghiên cứu để thiết lập lại theo yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, thể hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, (…) cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm””. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã phát biểu như trên tại hội nghị sơ kết một năm thí điểm hoạt động TPL tại TP.HCM, tổ chức vào ngày 24-6.
Thi hành án và Thừa Phát Lại cùng thi đua
Ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, nhận định: “Sau một năm hoạt động, TPL đã thực hiện được một khối lượng công việc khá lớn, là trợ thủ pháp lý đắc lực của người dân: Lập vi bằng để người dân tự bảo vệ quyền lợi của mình, đáp ứng tốt hơn quyền và lợi ích của nhân dân trong tố tụng. Chưa hề có phản ánh nào của người dân, tổ chức liên quan đến tư cách đạo đức của TPL”.
Tại hội nghị, các TPL đã chia sẻ những trăn trở, khó khăn: Dân chưa quen, nhiều cơ quan nhà nước chưa nhiệt tình hỗ trợ, chi phí tống đạt văn bản thấp khiến họ phải gồng mình duy trì hoạt động. Họ đưa ra nhiều kiến nghị: Mở rộng việc xác minh tài sản cả ở giai đoạn trước và trong quá trình xét xử (hiện nay TPL chỉ được xác minh điều kiện thi hành án đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật), cải tiến quy định về tống đạt để công tác tống đạt có hiệu quả hơn…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (trái) và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua bàn quyết tâm thực hiện thành công việc thí điểm mô hình TPL. Ảnh: ÁI PHƯƠNG
Tín hiệu tích cực là lãnh đạo TAND TP.HCM và Cục THA dân sự TP.HCM đều cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với lực lượng TPL. Ông Ngô Văn Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận Tân Bình, cho biết: “Có vụ việc cơ quan thi hành án đã trả đơn, sau đó đương sự nhờ TPL thì TPL thi hành có hiệu quả”. Theo ông, giờ đây, khi người dân được quyền lựa chọn hoặc TPL, hoặc cơ quan thi hành án thì chính thi hành án nhận thấy cần có sự chuyển biến trong nếp nghĩ và phương pháp làm việc. “Trước đây Chi cục THA Tân Bình phân công chấp hành viên phụ trách công việc theo địa bàn phường nhưng nay đổi mới theo hướng người dân được lựa chọn chấp hành viên mà mình tin tưởng. Chi cục THA Tân Bình có danh sách giới thiệu sơ nét về chấp hành viên: họ tên, độ tuổi, ngày vào ngành, kết quả thi hành án của năm gần nhất để người được thi hành án lựa chọn. Nhờ vậy, mỗi chấp hành viên luôn ý thức được việc tự xây dựng “thương hiệu” cho mình” – ông Hạnh nói.
Tham dự hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua nhận xét: “Có thể coi đó là sự thi đua lành mạnh giữa cơ quan thi hành án và TPL. Và chính người dân TP.HCM là người được hưởng những lợi ích từ việc thi đua này”.
Bà Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, đề nghị: “Các cơ quan, tổ chức trung ương cần có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và cung cấp thông tin để TPL thực hiện công việc của mình”.
Tìm hướng phát triển cho Thừa Phát Lại
Mỗi năm TP.HCM có khoảng 100.000 vụ việc thi hành án nhưng một năm qua, năm văn phòng TPL chỉ thi hành xong có 11 bản án. Thống kê này cho thấy lực lượng TPL chưa giúp được cơ quan thi hành án giảm tải, chủ yếu do người dân chưa có thói quen nhờ TPL thi hành án. Để khắc phục điều này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói: “Tới đây ngành sẽ quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền về TPL; thường xuyên rà soát để kịp thời ban hành các quy định liên quan, hoàn thiện các điều kiện bảo đảm để triển khai chính thức chế định TPL khi kết thúc thời hạn thí điểm…”.
Tại hội nghị, lãnh đạo ngành tư pháp và lãnh đạo Thành ủy TP.HCM cùng thống nhất rằng việc thí điểm nhằm tìm hướng đi hiệu quả để mô hình TPL thành công trên thực tế, chứ không thể theo hướng “được thì tốt, không được thì thôi”. Bản thân lực lượng TPL phải thuyết phục người dân bằng chất lượng và hiệu quả công việc, mỗi một vụ việc cụ thể đều phải toát lên ý chí để biến chế định này thành thực tiễn trong cuộc sống.
Tôi nhất trí với đề xuất của TP.HCM về việc xin lập thêm ba văn phòng TPL có thể làm ngay. Về thời hạn thí điểm, tôi đồng tình với đề nghị của TP.HCM về việc kéo dài thời hạn thí điểm hoạt động TPL đến tháng 7-2014 (thay vì tháng 7-2012 – PV) và sẽ kiến nghị Quốc hội về việc này. Bộ sẽ đề nghị Chính phủ cho phép mở rộng thí điểm mô hình TPL ở một số địa phương khác. Hiện Đồng Nai và Đà Nẵng là hai địa phương mong muốn được áp dụng mô hình TPL. Trong đó, Sở Tư pháp Đồng Nai đã hoàn thành dự thảo đề án thí điểm TPL.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp HÀ HÙNG CƯỜNG
Một bộ phận người dân và ngay cả cơ quan nhà nước chưa quen với mô hình tổ chức tư nhân được giao việc công. Khi cần thi hành án, người dân vẫn giữ thói quen tìm đến cơ quan nhà nước. Để thay đổi nếp nghĩ này cần phải có một quá trình dài.
Ông NGUYỄN VĂN LUYỆN,
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự
- 2788 reads
Tin liên quan
Văn phòng Thừa phát lại hà nội
Điện thoại: 0243 262 66 88
Hotline: 0912 969 969
Giám đốc Điều hành: 0908 99 88 99
Email: tuvan@thuaphatlaihanoi.com
- 12 reads
- 2 reads
Viết bình luận