Bài viết mới nhất
Thừa phát lại Hà Nội: Đôi nét về thẩm quyền thi hành án của Thừa phát lại
Văn phòng thừa phát lại Hà Nội giới thiệu bạn đọcvề thừa phát lại và các thông tin liên quan:
I. Sơ lược về lịch sử phát triển nghề Thừa phát lại ở VN
Thừa phát lại là công lại làm việc theo triệu dụng của khách hàng khi có yêu cầu và theo đề nghị của Tòa án trong phạm vi trách nhiệm được quy định. Mục đích của công lại là nhằm phụ vụ công lý, phục vụ hoạt động tư pháp và nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong xã hội[1]. Mô hình Thừa phát lại đã tồn tại ở Việt Nam từ thời phong kiến, dưới thời kỳ Pháp thuộc và ở Miền Nam đến năm 1975.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 19/7/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 130 quy định về tổ chức thi hành án, trong đó có Thừa phát lại. Điều 3 của Sắc Lệnh quy định: Trong các thị xã, khu phố, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký đều chịu trách nhiệm thi hành những lệnh, mệnh lệnh hoặc án của Tòa án, ở những nơi nào đã có Thừa phát lại riêng thì đương sự có quyền nhờ Thừa phát lại riêng thi hành mệnh lệnh.
Về thẩm quyền, trách nhiệm của Thừa phát lại trong thi hành án, Điều 1 Sắc lệnh trên quy định: Các bản án hoặc trích lục Bản án do các phòng lục sự phát cho đương sự để thi hành các án hoặc mệnh lệnh của Tòa án đều phải có thể thức thi hành, ấn định như sau: “Vậy, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa truyền cho các Thừa phát lại theo yêu cầu của đương sự thi hành bản án này, các ông chưởng lý và biện lý kiểm sát việc thi hành án, cai trị chỉ huy binh lực giúp đỡ mỗi khi đương sự chiếu luật yêu cầu…”.
Sau khi Đất nước thống nhất, Nhà nước áp dụng hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, chế định Thừa phát lại không còn được áp dụng.
Thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ chính trị:“Từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”, mà cụ thể hơn là “nghiên cứu chế định Thừa phát lại: trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở đó tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”, ngày 14/11/2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 24/2008/QH12 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự, trong đó, giao cho Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương. Căn cứ vào Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 19/2/2009 về việc phê duyệt Đề án “thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại TP.Hồ Chí Minh” theo đề nghị của Bộ Tư Pháp. Ngày 24/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh.
Sau thời gian thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, với những thành công bước đầu, ngày 23/11/2012, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 giao cho Chính phủ tiếp tục triển khai việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến hết 31/12/2015. Như vậy, bước đầu hệ thống Thừa phát lại đã dần được hình thành ở 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước.
II. Thẩm quyền tổ chức thi hành án của Thừa phát lại
Với sự ra đời của Thừa phát lại, người dân có quyền lựa chọn dịch vụ thi hành án tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc thực thi bản án, quyết định của Tòa án một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời.
Thừa phát lại được kỳ vọng như một lực lượng mới có thể sẻ chia trách nhiệm với hệ thống cơ quan thi hành án hiện hành, gánh vác một phần trách nhiệm về tổ chức thi hành án, tạo thêm quyền lợi cho người dân trong việc lựa chọn dịch vụ thi hành án tốt nhất cho mình.
Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền tổ chức thi hành án dân sự tương đương Chi cục thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở đối với án theo đơn yêu cầu.
Về quyền hạn, trách nhiệm của Thừa phát lại trong việc tổ chức thi hành án dân sự, theo quy định của Nghị định 61/Cp và Nghị định 135/CP, Thừa phát lại có quyền tương tự chấp hành viên, kể cả các quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế có lực lượng hỗ trợ, Thừa phát lại phải có kế hoạch cưỡng chế trình Cục trưởng Cục thi hành án dân sự phê duyệt trước khi thực hiện.
Tính đến tháng 9/2013, các Văn phòng Thừa phát lại đã chấm dứt thi hành án 58 việc[2], đạt giá trị thi hành án về tiền là 40.614.413.613 đồng, doanh thu 1.161.663.507 đồng (chiếm tỷ lệ 3,36%).
III. Một số ý kiến về thẩm quyền thi hành án của Thừa phát lại
Hiện nay dù còn một số ý kiến khác nhau về thẩm quyền tổ chức thi hành án của Thừa phát lại, cụ thể như: bỏ quy định Thừa phát lại trực tiếp thi hành án, hoặc chỉ giao cho Thừa phát lại thi hành những bản án, quyết định mà đương sự tự nguyện thi hành án, không được áp dụng biện pháp cưỡng chế vì phải sử dụng quyền lực Nhà nước, phải do cơ quan Nhà nước thực hiện … hay cho rằng “việc cho phép TPL có một số nhiệm vụ, quyền hạn tương đương chấp hành viên là không phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến đồng thuận với việc giao cho Thừa phát lại tổ chức thi hành án vì những lý do sau:
Thứ nhất, về cơ sơ pháp lý, việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại cũng như giao cho Thừa phát lại thẩm quyền tổ chức thi hành án là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cụ thể đã được Bộ Chính trị xác định là nhiệm vụ trong tâm trong Nghị quyết 08-NQ/TW, Nghị quyết 49-NQ/TW và được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH13. Như vậy, Thừa phát lại lã được Quốc hội giao quyền tổ chức thi hành án tương tự như Chấp hành viên. Thừa phát lại là người được Bộ Tư pháp bổ nhiệm để thực hiện công việc tổ chức thi hành án và các công việc khác. Thừa phát lại là một công lại, được Nhà nước giao quyền tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật. Các tổ chức, cá nhân khác phối hợp tổ chức thi hành án là thực thi theo quy định của pháp luật chức không thực hiện theo yêu cầu của cá nhân Thừa phát lại.
Thứ hai, mục tiêu của xã hội hóa công tác thi hành án dân sự là giảm tải cho hệ thống Cơ quan thi hành án dân sự hiện nay đang quá tải công việc, đồng thời giảm gánh nặng tài chính cho Ngân sách Nhà nước. Việc giao cho Thừa phát lại tổ chức thi hành án dân sự không chỉ chia sẻ gánh nặng của ngành thi hành án dân sự, mà còn đem lại rất nhiều lợi ích kinh tế. Các Văn phòng Thừa phát lại hoạt động độc lập, tự chủ về tài chính, tự chủ về biên chế, không yêu cầu Nhà nước hỗ trợ bất kỳ điều kiện nào về tài chính, đồng thời Nhà nước còn có thể thu thuế từ hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại.
Thứ ba, tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại đã được quy định một cách cụ thể và chặt chẽ trong Nghị định 61/2009/NĐ-CP và Nghị định 135/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, quy trình nghiệp vụ tổ chức thi hành án được quy định cụ thể, đồng thời Thừa phát lại phải tuân thủ Luật Thi hành án dân sự 2008. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thi hành án, Thừa phát lại phải chịu sự quản lý của Sở Tư Pháp, Cục thi hành án dân sự, chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân. Vì vậy, cơ chế thực hiện việc tổ chức thi hành án của Thừa phát lại hoàn toàn năm trong sự kiểm soát của Nhà nước.
Thứ tư, về các biện pháp cưỡng chế thi hành án, Thừa phát lại có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật Thi hành án dân sự 2008. Tuy nhiên, trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ, Văn phòng Thừa phát lại phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Trên cơ sở ý kiến của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, kèm theo hồ sơ thi hành án để Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét, phê duyệt kế hoạch cưỡng chế và ra quyết định cưỡng chế thi hành án.
Như vậy, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế có huy động lực lượng bảo vệ không còn là việc riêng giữa Văn phòng Thừa phát lại và các bên đương sự, mà còn là công việc của cả hệ thống chính trị, được Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự và Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tham gia chỉ đạo thực hiện, không chỉ đảm bảo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành mà còn đảm bảo nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, hạn chế tối đa việc lạm quyền của Thừa phát lại.
Thứ năm, thực tiễn thí điểm thời gian qua cho thấy, việc giao cho Thừa phát lại tổ chức thi hành án dân sự không tạo ra bất kỳ sự xáo trộn nào trong hệ thống tư pháp, đồng thời mang lại hiệu quả thiết thực đến cho người dân. Mặt khác, sự ra đời của các Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền tổ chức thi hành án tạo ra hiệu quả tích cực cho hoạt động của các Cơ quan thi hành án dân sự trong việc cải thiện lề lối làm việc, hiệu quả công việc trước sự thi đua của các Văn phòng Thừa phát lại.
Ngoài ra, thực tiễn thí điểm gần 3 năm qua cho thấy, bên cạnh việc đem lại lợi ích cho Nhà nước và xã hội, chưa có bất kỳ vi phạm pháp luật nào của các Văn phòng Thừa phát lại trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự.
Thứ sáu, dưới góc độ lịch sử, Thừa phát lại không phải là một chế định quá mới, Thừa phát lại đã hoạt động ở Việt Nam từ sau Cách mạng tháng 8 theo Sắc lệnh số 130 ngày 19/7/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh quy định về tổ chức thi hành án, và đây là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 19/7 hàng năm là ngày truyền thống Thi hành án dân sự. Đối với người dân tại tại Miền Nam, hình ảnh Thừa phát lại tổ chức thi hành án cũng rất quen thuộc. Việc tiếp tục giao Thừa phát lại tổ chức thi hành án là sự kế thừa lịch sử, cũng như phù hợp với xu hướng phát triển pháp luật Thi hành án của các nước trên thế giới.
- 1675 reads
Tin liên quan
Văn phòng Thừa phát lại hà nội
Điện thoại: 0243 262 66 88
Hotline: 0912 969 969
Giám đốc Điều hành: 0908 99 88 99
Email: tuvan@thuaphatlaihanoi.com
- 12 reads
- 2 reads
Viết bình luận