Bài viết mới nhất
Lập vi bằng còn nhiều trắc trở
Lập vi bằng là thế mạnh của Thừa phát lại, được Nhà nước và xã hội đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều quan điểm chưa thống nhất về phạm vi lập vi bằng, dẫn đến việc hạn chế phạm vi lập vi bằng, và quyền tạo lập chứng cứ của người dân. Tại Hội thảo đánh giá kết quả thí điểm thừa phát lại (TPL) trên địa bàn TP.HCM, vấn đề trên đã được nêu ra thảo luận.
Tại hội thảo đánh giá kết quả thí điểm thừa phát lại (TPL) trên địa bàn TP.HCM do Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp tổ chức sáng 17-7, ông Lê Mạnh Hùng (Trưởng Văn phòng TPL quận Bình Thạnh) phản ánh một số vướng mắc trong hoạt động lập vi bằng.
Cụ thể, Sở Tư pháp TP.HCM căn cứ vào Công văn 1128/BTP-TCTHADS ngày 18-4-2014 của Bộ Tư pháp (về việc tổ chức thực hiện thí điểm TPL) để từ chối đăng ký các vi bằng có nội dung ghi nhận sự kiện các bên ký tên vào văn bản nhất định (hợp đồng, giao dịch không bắt buộc phải công chứng hoặc các tờ khai, cam kết, xác nhận, trình bày…) với lý do thuộc lĩnh vực công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, theo ông Hùng, quy định loại trừ quyền lập vi bằng của TPL khi thuộc thẩm quyền công chứng, chứng thực nên được hiểu là “các trường hợp mà pháp luật bắt buộc phải công chứng, chứng thực”, còn những trường hợp khác thì không nên giới hạn lập vi bằng. Thực chất các văn phòng TPL chỉ lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi chứ không chứng nhận nội dung hợp đồng, giao dịch hay chứng thực chữ ký.
Một số văn phòng TPL trên địa bàn TP.HCM cũng đồng kiến nghị về vấn đề này. Ông Từ Dương Tuấn (Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp – Sở Tư pháp TP.HCM) cho biết sở đã báo cáo Bộ Tư pháp về những vướng mắc trên và đề xuất sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền đăng ký vi bằng đối với những trường hợp vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền; ký tên, lăn tay vào văn bản thỏa thuận liên quan đến việc mua bán bất động sản; ký tên, lăn tay vào văn bản xác nhận, thỏa thuận chuyển nhượng phần vốn góp; ký thỏa thuận chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan đến khoản vay nợ ngân hàng… Mặc dù sở đã có kiến nghị nhiều lần nhưng văn bản của Bộ Tư pháp ban hành vừa qua vẫn không hướng dẫn rõ nên vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm những vướng mắc của các TPL.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính chia sẻ: “Còn khá nhiều bức xúc, vướng mắc trong quản lý hoạt động TPL, đặt ra hàng loạt vấn đề phải báo cáo Ban chỉ đạo sửa đổi thể chế để giải quyết dứt điểm. Song không nên trông chờ vào chuyện cầm tay chỉ việc, quy định sự kiện này được lập vi bằng, sự kiện kia không được lập vi bằng… vì quy định cũng chỉ có thể khái quát hóa thẩm quyền lập vi bằng mà thôi. Tất nhiên, Bộ Tư pháp sẽ phải xem xét lại các câu văn hướng dẫn kỹ hơn, rõ ràng hơn. Ngay tại một số quốc gia khác, quy định về thẩm quyền lập vi bằng cũng rất ngắn gọn, đơn giản. Bước đầu lĩnh vực này đã giúp người dân rất nhiều, cũng chưa có phát sinh khiếu nại gay gắt hay vi phạm nghiêm trọng phải xử lý. Thế nhưng không thể lỏng tay, tránh trường hợp lợi dụng thương mại hóa, chuyện gì cũng lập vi bằng”.
Riêng phản ánh về việc xác minh tài sản chủ sở hữu xe ở một số quận, huyện còn gặp khó khăn, Thượng tá Trần Văn Thương (Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, Công an TP.HCM) khẳng định: “Thẩm quyền của TPL và thủ tục xác minh chủ sở hữu đăng ký xe cơ giới đã được quy định rất rõ ràng, không có vướng mắc, bất cập gì cần sửa đổi.
TPL chỉ cần gửi bản án, giấy giới thiệu của văn phòng TPL và yêu cầu xác minh thì sẽ được cung cấp thông tin. Còn phản ánh về khó khăn tại một số quận, huyện có thể do cán bộ, chiến sĩ ở địa phương, cũng có thể do TPL chưa làm đúng thủ tục, thiếu giấy giới thiệu… Trong các trường hợp này, TPL có thể gửi kiến nghị về Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt – Công an TP.HCM để được giải quyết thỏa đáng”.
(Nguồn: Pháp luật TP.HCM)
- 3684 reads
Tin liên quan
Văn phòng Thừa phát lại hà nội
Điện thoại: 0243 262 66 88
Hotline: 0912 969 969
Giám đốc Điều hành: 0908 99 88 99
Email: tuvan@thuaphatlaihanoi.com
- 12 reads
- 2 reads
Viết bình luận